Những thắc mắc thường gặp về tiêm filler
Tiêm chất làm đầy (filler) phù hợp vị trí nào và cho những ai, lưu ý gì để làm đẹp an toàn là những thắc mắc thường gặp của nhiều người.
Filler là những sản phẩm tổng hợp hoặc sinh học dùng để thay thế thể tích hoặc làm tăng thể tích bị mất của da và mô mềm. Mỗi loại filler được điều chế để khắc phục dấu hiệu lão hóa hoặc các vấn đề thẩm mỹ khác nhau.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Thùy Trang, Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết tiêm filler là quy trình thẩm mỹ nội khoa. Chất làm đầy tiêm vào bên dưới bề mặt da giúp che lấp nếp nhăn, cải thiện các khuyết điểm trên khuôn mặt, khắc phục dấu hiệu lão hóa, làm mặt thon gọn hơn.
Bác sĩ Trang giải đáp thắc mắc của nhiều người về tiêm filler.
Các loại filler được cấp phép
Không phải chất làm đầy nào cũng được cấp phép sử dụng. Các loại filler bao gồm chất làm đầy tổng hợp, silicon, mỡ tự thân, axit hyaluronic (HA), canxi hydroxylapatite (CaHA), Poly-L-lactic axit (PLLA), polymethylmethacrylate (PMMA)... HA được sử dụng phổ biến hơn do tính an toàn cao và được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng.
Riêng silicon đã bị cấm sử dụng trong thẩm mỹ từ lâu. Năm 1991, FDA liệt silicon lỏng vào danh sách cấm sử dụng. Năm 1995, Bộ Y tế Việt Nam đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận của cơ thể với mục đích làm đẹp. Nguyên nhân là tiêm silicon lỏng dễ gây biến chứng tắc mạch, hoại tử, tử vong.
Độ tuổi tiêm filler
Theo FDA, người tiêm filler phải từ 22 tuổi trở lên, muốn sử dụng chất làm đầy nhằm cải thiện nếp nhăn trên khuôn mặt từ trung bình đến nặng; tăng độ đầy đặn của môi, má, cằm, hõm dưới mắt, đường viền hàm và mu bàn tay; khắc phục sẹo mụn ở má. Trường hợp muốn phục hồi tình trạng mất mỡ trên khuôn mặt ở người có HIV cũng có thể tiêm filler.
Vị trí tiêm filler
FDA chỉ chấp thuận tiêm filler ở vùng mặt và tay. Các trường hợp tiêm ở vị trí khác đều không được phép. Cơ quan này khuyến cáo không tiêm chất làm đầy vào ngực, mông hoặc khoảng trống giữa các cơ để tạo đường nét hoặc cải thiện cơ thể trên quy mô lớn. Điều này dễ dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng, bao gồm đau kéo dài, để lại sẹo, nhiễm trùng, biến dạng vĩnh viễn, tử vong.
Hình thức làm đẹp với filler thường được thực hiện trong khoảng 30 phút, thời gian phục hồi nhanh, kết quả có thể nhìn thấy ngay lập tức. Tuy nhiên, phần lớn các chất làm đầy có thể hấp thu vào cơ thể. Vì vậy, tiêm filler chỉ có tác dụng tạm thời, từ vài tháng đến vài năm. Tùy loại, chất lượng sản phẩm, vị trí tiêm và cơ địa mỗi người có kết quả khác nhau.
Nguy cơ biến chứng
Tiêm filler không đúng kỹ thuật, vị trí, liều lượng dễ gây biến chứng nguy hiểm. Ví dụ tiêm vào mạch máu, chất làm đầy không tan làm tắc mạch hoặc tiêm quá nhiều gây chèn ép mạch máu. Mạch máu bị tắc hoặc chèn ép dẫn đến thiếu máu nuôi ở bộ phận được tiêm, gây hoại tử da, đột quỵ, tử vong. Nếu tiêm filler trúng động mạch mắt có thể mù lòa nhanh chóng.
Với các vùng được phép tiêm filler như da mặt, tay, bác sĩ thường chỉ dùng một lượng nhỏ chất làm đầy, tính bằng ml. Tiêm filler là phương pháp làm đẹp không nguy hiểm nếu được áp dụng đúng cách.
FDA khuyến cáo không được dùng các thiết bị bơm tiêm không có kim tiêm để đưa filler vào da. Các thiết bị này thường sử dụng áp suất cao, khó kiểm soát vị trí của chất làm đầy khi được đưa vào da và gây ra các vết thương nghiêm trọng, tổn thương vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, mọi người được khuyến cáo không tự ý mua và sử dụng các chất làm đầy bán trôi nổi trên thị trường. Filler dạng này thường không được kiểm định chất lượng chặt chẽ và bảo quản đúng quy định của nhà sản xuất, có khả năng bị nhiễm hóa chất hoặc vi khuẩn gây bệnh.
Lưu ý sau tiêm filler
Để giảm biến chứng sau tiêm và hồi phục nhanh hơn, 10 ngày sau tiêm filler cần hạn chế tác động lên vùng tiêm (xông hơi, massage, biểu cảm khuôn mặt mạnh) và vận động mạnh, do chất làm đầy tan nhanh hơn khi gặp nhiệt độ cao. Các thao tác sờ, nắn, xoa bóp, cười lớn, tức giận ở vùng tiêm có thể gây biến dạng hoặc di chuyển chất làm đầy sang khu vực khác.
Khi tiêm chất làm đầy ở mũi và mặt, không cúi người xuống hoặc vận động mạnh khiến chất làm đầy tràn ra ngoài, mất cân đối. Nếu tiêm filler vào vùng má hoặc cằm, tránh nằm úp, nằm nghiêng hoặc dùng dụng cụ đỡ cằm, chống cằm vào các vật khác.
Tránh trang điểm vào vết tiêm 1-2 ngày. Mỹ phẩm dính vào điểm tiêm có thể gây nhiễm trùng. Ngoài ra, cần tránh sử dụng mỹ phẩm chứa AHA, retinol, vitamin C sau khi tiêm filler.
Sử dụng rượu bia, chất kích thích có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả làm đẹp và quá trình hồi phục. Uống đồ uống chứa cồn trước khi tiêm chất làm đầy có thể làm loãng máu, khiến da dễ bầm tím.
(Theo VNexpress)